Mạo hiểm để thành công
Bạn hãy thử hình dung, trong gia đình bạn, những người anh em họ hàng thân cận nhà bạn có bao người theo các nghề khác nhau thì đó chính xã hội thu nhỏ trong việc chọn nghề nghiệp. Và nhiều khi bạn thấy may mắn nhờ có người nhà làm nghề đó nên bạn mới biết có nghề đó tồn tại.
Gia đình tôi cũng vậy có nhiều, rất nhiều nghề khác nhau, tôi làm nhân sự, các em thì làm nghề thợ mỏ, lái xe, buôn bán nhỏ, mổ trâu bò… vậy là đã thấy có đủ các cung bậc từ áp lực, mạo hiểm, rủi ro cao…
Nói đến nghề mạo hiểm, chắc có nhiều người thốt lên rằng: “Ôi chao làm mấy cái nghề đó thì chết lúc nào chẳng biết” hay rằng “Làm việc mạo hiểm thì kiếm tiền ra cũng sống sao nổi nữa”… Tuy nhiên trên thực tế, không phải nghề mạo hiểm nào cũng nguy hiểm như bạn nghĩ.
Thế nào là nghề mạo hiểm?
Thứ nhất: Là nghề nguy hiểm đến tính mạng sức khỏe
Ông cha ta đã có câu: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Trong xã hội, nếu như ai cũng làm những việc chuyên môn, hằng ngày đến công ty, ngồi trong phòng điều hòa và làm việc trên máy tính thì ai sẽ là người làm những công việc nguy hiểm như lính cứu hỏa, cảnh sát chống bạo động, công nhân trên giàn khoan, thợ điện, công nhân bảo trì các tòa nhà cao tầng, thợ mỏ, chuyên gia tháo gỡ bom mìn… Nhu cầu xã hội là thiết yếu, cho dù nguy hiểm nhưng những nghề nghiệp như vậy vẫn phải tồn tại.
Thứ hai: Là nghề mang tính rủi ro cao
Có những việc mà khi làm, người ta phải chấp nhận rủi ro: Được ăn cả, ngã về không.
Bạn là một nhân viên văn phòng, một nhà giáo, một người làm nông,…bạn làm việc mang tính ổn định, bạn không phải lo lắng đến bất kỳ rủi ro nào, hay nếu có thì thường rất ít. Nhưng những giám đốc công ty tư nhân, những người chơi chứng khoán, đầu tư bất động sản,…họ thường phải bỏ ra một nguồn lực đầu tư rất lớn về tiền của và phải tự mình gánh vác rủi ro có thể gặp phải. Đó là những nghề mang tính mạo hiểm mà không phải là nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Tại sao cần phải làm nghề mạo hiểm?
Có một câu hỏi được đặt ra là: Nghề mạo hiểm nguy hiểm và cũng rủi ro như thế, vậy tại sao lại phải làm?
Theo quan điểm của tôi, xã hội luôn có sự phân công lao động rõ ràng. Có người làm việc này thì sẽ có người làm việc kia. Một khi nhu cầu xã hội vẫn còn thì những nghề mạo hiểm vẫn còn tồn tại và phát triển. Hơn nữa nó vẫn mang lại thu nhập, thậm chí là thu nhập cao, vẫn nuôi sống và vẫn mang lại niềm vui cho những người làm nghề; mặt khác, tính mạo hiểm đôi khi mang tính tương đối và chiếm tỷ lệ ít, không phải ai làm nghề nguy hiểm cũng sẽ gặp nạn, hay không phải ai đầu tư mạo hiểm cũng sẽ gặp rủi ro và thất bại. Chỉ cần bạn có sự phù hợp, bạn có bản lĩnh và đam mê thì bất cứ nghề nào cũng là nghề đáng để bạn làm, ngay cả những nghề mạo hiểm.
Trên thực tế có rất nhiều lý do khiến người ta dấn thân vào nghề mạo hiểm:
- Mong muốn một mức lương hay thu nhập cao;
- Niềm yêu thích, đam mê cống hiến, truyền thống gia đình;
- Có sở trường hoặc buộc phải chọn;
- Mạo hiểm để gặt hái những thành công lớn…
Vậy có những lưu ý cho bạn có ý định chọn nghề mạo hiểm
Nghề mạo hiểm là những nghề mà không phải ai cũng có thể làm được, cũng không phải ai cũng có đủ đam mê và can đảm để làm nó. Chính vì vậy, nếu bạn có ý định lựa chọn nghề mạo hiểm trong tương lai, bạn hãy lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất: Đánh giá đúng khả năng
Nhiều nghề nguy hiểm muốn làm, bạn cần phải được đạo tạo rất bài bản và chuyên sâu. Ví dụ như nghề phá bom mìn,…đâu phải muốn là có thể làm được. Hay như nghề chơi chứng khoán, người chơi phải có đầu óc tư duy rất cao, nếu không có khả năng này, bạn chắc chắn chỉ gặp thất bại mà thôi.
Thứ hai: Chuẩn bị tư tưởng về áp lực
Nghề mạo hiểm thường đòi hỏi sự chuyên tâm và áp lực công việc rất lớn bởi hiệu quả của nó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn và của cả những người khác. Những áp lực công việc này không phải ai cũng có đủ nghị lực để vượt qua. Vì vậy, khi chưa có đủ đam mê để theo đuổi, đừng chọn lựa những nghề này bạn nhé.
Thứ ba: Chuẩn bị kỹ và luôn tự tin
Sự mạo hiểm cần dựa trên những tính toán kỹ lưỡng, sự chuẩn bị chu đáo cho từng mục tiêu, từng công việc. Bạn cần suy xét cẩn thận đến tính khả thi và hiệu quả thành công mà nó mang lại. Một khi bạn không có cơ sở thành công để làm việc thì bạn là “liều” chứ không phải là “mạo hiểm”.
Thứ tư: Sự ủng hộ
Đó là điều quan trọng, bạn luôn luôn phải có sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, những người thân yêu luôn động viên, chia sẻ với bạn nhưng khó khăn, vướng mắc trong công việc hằng ngày. Sự tin tưởng của người thân sẽ giúp bạn có động lực để vượt qua, thậm chí đó còn là những lời khuyên bổ ích cho sự nghiệp của bạn. Và bạn sẽ luôn nghĩ về họ trước khi ra các quyết định đầy mạo hiểm của mình.
Quả thực, những nghề mạo hiểm vẫn tồn tại hằng giờ, hằng ngày. Có những người gặp rủi ro nhưng không ít người đã thành công và đạt được nhiều mục đích chính đáng trong công việc. Đôi khi sống là cần phải mạo hiểm một chút thì mới là cuộc sống và “Nếu bạn không mạo hiểm, có nghĩa là bạn đang mạo hiểm tất cả”.
Vậy tôi luôn khuyên các bạn rằng, dù nghề đó là nghề an nhàn, nghề mạo hiểm, nghề cao quý thì hay tự tin đánh giá đúng khả năng của mình, lựa chọn và làm việc với đam mê trách nhiệm, bạn sẽ thành công.