Nhà tuyển dụng soi gì trong hồ sơ của bạn?
Ở bài trước tôi đã chia sẻ với các bạn cách tạo dựng Đơn xin việc hay CV tốt, hoàn chỉnh, công với các hồ sơ có sẵn khác, sẽ tạo thành một bộ và phải nộp. Tuy nhiên, trước khi nộp bạn phải tham gia một môn nghệ thuật nữa có thể nói vui là “nghệ thuật sắp đặt”.
Cứ nghĩ đơn giản và tưởng thực hiện dễ dàng nhiều người không hề để ý, không thực hiện và nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn cẩu thả về tính cách, hay tư duy logic yếu, việc sắp xếp hợp lý còn giúp cho nhà tuyển dụng dễ tìm thông tin của bạn, khơi gợi sự tò mò tìm hiểu về bạn, đó sẽ là cơ sở để giúp bạn thành công.
Vậy, nhà tuyển dụng sẽ “soi” gì đầu tiên?
Thứ nhất: Đơn xin việc
Đơn xin việc là bản tóm tắt của CV về mong muốn, khả năng, kinh nghiệm, học vấn…của bạn mà nhà tuyển dụng sẽ xem đầu tiên để có cái nhìn tổng quan nhất về ứng viên của mình. Đôi khi, với nhiều nhà tuyển dụng, đơn xin việc cũng là ấn tượng đầu tiên quyết định xem họ có tiếp tục xem tiếp hồ sơ của bạn hay không.
Thứ hai: CV của bạn
Khi đã hiểu tổng quan về bạn, họ sẽ xem tiếp CV để biết rõ hơn về khả năng, kinh nghiệm và sự phù hợp của bạn với công việc. Theo một nghiên cứu trên thế giới thì trong 6 giây đầu tiên khi nhìn vào CV, nhà tuyển dụng chú ý rất nhiều đến phần tên, chức danh, thời gian làm việc của bạn ở công ty trước đó; sau nữa là quan tâm đến định hướng công việc, học vấn và các kỹ năng của bạn. Như đã chia sẻ ở các phần trước thì CV vô cùng quan trọng, có thể nói, CV chiếm giữ đến 40% khả năng thành công của bộ hồ sơ nên vẫn phải nhắc lại với các bạn là các bạn cần đầu tư cho nó.
Thực tế cho thấy, nhà tuyển dụng sau khi đọc xong CV của bạn sẽ có hai trường hợp:
Trường hợp một: Nếu họ đã ấn tượng với bạn thì nhiều nhà tuyển dụng đã quyết định ngay là sẽ mời bạn đến phỏng vấn để xem thực tế bạn như thế nào.
Trường hợp hai: Họ không có cảm tình với bạn, không thấy được khả năng đáp ứng công việc của bạn, khi đó hoặc là có thể họ vẫn sẽ dành chút thời gian xem tiếp hồ sơ của bạn, nhưng phần lớn trường hợp này họ sẽ bỏ qua nó để xem tiếp những hồ sơ ứng viên tiếp theo.
Thứ ba: Văn bằng và chứng chỉ
Đây là giấy tờ mà nhà tuyển dụng xem xét tiếp theo. Họ cần biết về trình độ và bằng cấp của bạn, đặc biệt là các chứng chỉ thêm bên cạnh bằng cấp như chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ… Đối với nhiều vị trí công việc đòi hỏi các chứng chỉ này, nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm đến nó, đến mức thậm chí bạn đã làm hài lòng họ ở đơn xin việc và CV thì bạn vẫn có thể bị loại khi bằng cấp và chứng chỉ của bạn không đạt yêu cầu của họ. Ví dụ, khi bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, bạn nói trong CV rằng bạn có khả năng về tiếng anh nhưng bạn lại không hề có chứng chỉ ngoại ngữ kèm theo thì rất khó để nhà tuyển dụng tin tưởng vào khả năng của bạn.
Thứ tư: Các giấy tờ còn lại
Các giấy tờ như lý lịch cá nhân, gia đình, chứng minh thư, sổ hộ khẩu và giấy khám sức khỏe thường không được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm. Họ chỉ xem đến các giấy tờ này để đảm bảo rằng bạn có chuẩn bị đủ hồ sơ hay không và có thể có những đánh giá nhất định về bạn.
Thứ năm: Trường hợp đặc biệt
Khi còn làm việc ở Viettel, khi đó tuyển rất nhiều nhân viên giao dịch và nhân viên bán hàng, có tiêu chí phải nói là quan trọng nhất đó “Hình thức khá, cao từ 1,58 trở lên với nữ, 1,65 trở lên với nam”, đó là những tiêu chí cứng mà không thể dịch chuyển được.
Nên khi đọc hồ sơ tôi luôn yêu cầu các bạn ấy xem ảnh và xem giấy khám sức khỏe trước, tuy nhiên cũng có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng chúng tôi cũng có kỹ thuật của mình, thường thì chị em hay khai cao hơn, hay chỉnh ảnh, nhưng cơ bản vẫn là “có bột mới gột lên hồ” nên cũng không sai là bao.
Như vậy, các bạn có thể hiểu thông thường nhà tuyển dụng sẽ đọc theo trình tự như vậy. Còn đặc biệt với những vị trí chức danh khác nhau: lễ tân, bán hàng, nhân viên phục vụ quán bar, người mẫu, diễn viên…., hoặc những vị trí mà nhà tuyển dụng biết chắc chắn sẽ đào tạo khi nhận, nên họ sẽ không quan tâm đến trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm mà chỉ cần hình thức và tố chất thì có thể họ sẽ không đọc theo trình tự mà chúng tôi kể trên.
Sắp xếp hồ sơ theo đúng trật tự quan tâm của nhà tuyển dụng
Sau khi biết được nhà tuyển dụng sẽ “soi” gì trong hồ sơ của bạn trước tiên, bạn sẽ có thể có cách sắp xếp trật tự các giấy tờ này theo đúng sự quan tâm của nhà tuyển dụng: Đầu tiên là đơn xin việc, tiếp theo là CV, sau đó là văn bằng, chứng chỉ liên quan, sau nữa là các giấy tờ tùy thân như sơ yếu lý lịch, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, và cuối cùng là giấy khám sức khỏe.
Mặc dù là việc nhỏ, nhưng tôi khuyên các bạn rằng mình nên cẩn thận và chỉn chu để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đó là cơ sở đầu tiên tạo nên sự thành công của bạn. Vì vậy, đừng bao giờ bỏ qua yếu tố này khi bạn chuẩn bị hồ sơ xin việc của mình.