Muốn có kim cương- Hãy lắng nghe!
Lắng nghe là một nghệ thuật, đúng hơn là một kỹ năng trong cuộc sống. Người xưa vẫn có câu: “Ba tuổi đủ để học nói nhưng cả cuộc đời không đủ để biết lắng nghe” hay “Nói là gieo, nghe là gặt” hay thời nay chúng ta vẫn hay nói “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương” .
Vậy ngay từ khi biết nhận thức, chúng ta đã được dạy cách phát âm, cách nói chuyện, cách đọc, cách viết, nhưng không ai dạy bạn phải lắng nghe như thế nào trong khi đây là kỹ năng chiếm đến 53% thời gian giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết) và có thể coi là chìa khóa chính quyết định đến trình độ, kinh nghiệm, khả năng học hỏi, làm việc của bạn.
Không điếc có thể biết nghe, nhưng lắng nghe thì lại hoàn toàn khác, chúng ta phải tiếp nhận thông tin, chọn lọc, xử lý thông tin, ghi nhớ…, để lắng nghe tốt không phải là đơn giản mà nó đúng là một nghệ thuật.
Vì sao nên lắng nghe?
Thứ nhất: Biết người khác cần gì
Có rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản, đơn giản là do họ không chịu lắng nghe ý kiến khách hàng, không biết khách hàng thực sự muốn gì. Đơn giản hơn, nhân viên không nắm được chỉ thị của cấp trên cũng bởi vì không biết lắng nghe thì không biết đâu mà triển khai công việc cả.
Nên biết người khác cần gì, là rất quan trọng, sẽ giúp bạn hoàn thành tốt công việc của mình.
Thứ hai: Tạo dựng mối quan hệ tốt
Không ai chơi, không ai tâm sự, chia sẻ với người chỉ biết nói. Bạn là người lắng nghe tốt, bạn sẽ có thêm nhiều mối quan hệ, đồng thời cải thiện được năng suất làm việc của mình. Hơn nữa, đó là cơ sở để bạn nhận được sự tin tưởng từ rất nhiều người.
Thứ ba: Giải quyết được các xung đột
Nếu không ai nghe ai thì cuộc tranh cãi của bạn sẽ không khi nào kết thúc cả, do đó lắng nghe là phương pháp hữu hiệu giúp bạn giải quyết mâu thuẫn hay xung đột theo cách tôn trọng đối phương nhất.
Lắng nghe cũng là cách tốt để đảm bảo rằng cái tôi của bạn được hạ thấp nhất để đến cái chung, nó đương nhiên giúp bạn không có hoặc giải quyết được mâu thuẫn, đồng thời còn thể hiện sự khiêm tốn của mình, bạn sẽ được nhiều người tin yêu.
Thứ tư: Học hỏi được
Không ai không biết câu “nước đổ lá khoai”, hay “nước đổ đầu vịt”, hàm ý những người không biết lắng nghe, không biết tiếp thu, thì không thể thu nhận được điều gì, bạn muốn tiến bộ, phát triển học hành, nghề nghiệp thì cần phải lắng nghe.
Bạn đã thực sự biết lắng nghe?
Bạn cần đánh giá xem mình biết lắng nghe chưa, dựa trên các điểm sau đây:
Thứ nhất: Sự tập trung
Bạn nghe được bao nhiêu phần trăm điều người khác nói, đó chính là thước đo về hiệu quả mà bạn nghe được. Theo thống kê thì thông thường bạn chỉ nhớ được khoảng 25-50% những gì họ đã nghe thấy. Điều đó cũng có nghĩa, khi bạn nói với ai đấy trong vòng 10 phút thì họ chỉ thực sự nghe được từ 2,5 -5 phút nội dung là tối đa.
Thứ hai: Bạn đã sàng lọc thông tin chưa
Bạn cần lắng nghe những thứ cần thiết để nâng cao trình độ, kỹ năng, giúp ích cho cuộc sống, công việc, còn những thứ thị phi, nói xấu, phản động…thì bạn cần lựa chọn để xác định có nên hay không nên nghe, hoặc nghe thì để làm gì, có ghi nhớ hay không.
Thứ ba: Thái độ của bạn khi nghe
“Điếc hơn người điếc là người không muốn nghe”. Tôi và chắc các bạn cũng thế nhiều lần đã nghĩ rằng mình đã biết nên không cần nghe nữa, có chăng chỉ nghe hời hợt, qua loa và sẽ không thể nhắc lại những gì mình ngộ nhận rằng đã biết.
Tệ hại hơn, có người chỉ lắng nghe để chăm chăm tìm ra điểm sai của đối tác để phản ứng lại.
Thứ tư: Cái tôi của bạn khi nghe
Nhiều người thể hiện cái tôi quá mức, không chịu nghe người khác nói. Khi ấy, bản thân mình luôn là nhất, nói gì cũng đúng. Người khác không thể hiểu biết bằng mình. Hoặc đôi khi, bạn nghĩ, mình biết nhiều hơn, nên mình được quyền nói hơn và cướp mất cơ hội để người khác nói.
Thứ năm: Chuẩn bị nghe không
Nhiều người lắng nghe không hề có sự chuẩn bị, khi nghe các bạn cần phải xác định mục tiêu và tiếp thu nó, lọc tin và ghi nhớ mới mang lại hiệu quả, và rất nhiều bạn đi nghe đều có tư tưởng, cứ đi, không mất gì, được gì thì được không được thì thôi.
Hãy thay đổi để nâng cao kỹ năng lắng nghe
Thứ nhất: Thay đổi thái độ
Việc đầu tiên là phải muốn, bạn phải thực sự muốn lắng nghe thay vì coi lắng nghe là chuyện bản năng thì bạn cần lắng nghe bằng cả con tim và khối óc của mình.
Thứ hai: Thay đổi hành vi
Đừng tỏ ra lơ đãng, hãy hòa nhịp, khuyến khích, khích lệ, tôn trọng người nói thông qua các hành động nhỏ: gật đầu, nhìn vào ánh mắt, khuôn mặt, nhìn vào điều bộ cử, thi thoảng ghi những ý hay…. của người nói tùy theo ngữ cảnh. Đặc biệt là đừng khi nào bạn làm việc riêng, quay bút, hay xem điện thoại.
Thứ ba: Thay đổi lời nói
Bạn đừng ngồi im lặng khi nghe người khác nói. Hãy cho họ thấy thái độ và việc mình đang lắng nghe bằng những tiếng đế cổ vũ: Tuyệt quá! Hay thật đấy! Thật ư! Trời ơi…..! Dạ! Vâng! Hoặc những câu hỏi kiêu như: Vậy à? Cái gì cơ? Thật sao? Còn gì nữa không?
Các cụ đã dậy thì không bao giờ sai, nên tôi cũng chỉ nhắc lại và khuyên các bạn đừng khi nào bỏ qua những gì mà các cụ đã khuyên dăn vì nó đã được đúc rút từ ngàn đời, dù ở đời nào vẫn luôn đúng vậy bạn hãy luôn nhớ rằng “Nói là gieo, nghe là gặt” để có thể thành công.